.+CrosS+. World: tháng 4 2009

Wandering in the world of 3-foot Cat!

Let the epic continue…
Let the legend become never-ending…
Let the history be as it really be…
Let the people go forward…

[review] Animation: Fallen Art – nghệ thuật đến từ vũ điệu xác chết

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Hãy một lần thử thưởng thức tác phẩm 3D đến từ xứ sở Ba Lan!


Thông tin chung:
Tên gốc: Sztuka Spadania
Kịch bản: Tomek Baginski
Đạo diễn: Tomek Baginski
Năm phát hành: 2004

Quốc gia: Ba Lan
Thể loại: hoạt hình, phim ngắn, hài kịch, u ám
Thời lượng: 6 phút

Xử lí âm thanh: Dolby Digital
Nhà sản xuất: Platige Image
Giải thưởng:
Tuy không lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của Oscar năm đó, Fallen Art vẫn mang chiến thắng về cho Tomek Baginski cùng các đồng nghiệp của anh giải thưởng Phim hoạt họa ngắn xuất sắc nhất tại BAFTA, kèm theo đó là giải "Grand Prix" tại lễ trao giải Chú Ngựa Vàng một năm sau ngày sản xuất.




Ba Lan có lẽ chưa bao giờ nổi danh là một quốc gia có nền hoạt hình phát triển. Tuy vậy, đất nước này vẫn sinh ra một người con tuyệt vời ấy là Tomek Baginski. Năm 2002, khi ấy Tomek Baginski mới chỉ là một chàng trai 26 tuổi. Thế nhưng tuổi tác ấy không ngăn cản việc tên tuổi của anh được xướng lên trong đêm trao giải Oscar năm đó. Dầu rằng không giành được chiến thắng chung cuộc, vinh dự là một trong năm đề cử Oscar cho giải thưởng phim hoạt họa ngắn xuất sắc nhất với tác phẩm tư biên tự diễn The Cathedral cũng đủ để báo chí dành nhiều tít lớn cho Tomek Baginski.

Hai năm sau, Tomek Baginski cho ra mắt tác phẩm thứ hai của mình: Fallen Art. Tác phẩm mới này mang theo nhiều sự đổi thay đáng kể trong phong cách làm phim của Tomek Baginski. Thay vì lo từ đầu chí cuối, giờ đây Tomek Baginski đóng vai trò là một đạo diễn; thay vì dựng nên một tác phẩm mang tính ảo giác và đầy mơ hồ về ý nghĩa như "The Cathedral", Tomek Baginski tạo ra một Fallen Art là bức tranh bóc trần một sự thật độc ác!


Cho đến tận năm 2004, cuộc chiến đẫm máu tại Iraq mà Hoa Kỳ đã gây nên vẫn là câu chuyện được nhiều người nhắc đến. Và cũng từ đây, cảm hứng xây dựng lên câu chuyện trong Fallen Art đến với Tomek. Trong con mắt của những người cầm trịch chiến tranh, cái chết là một vũ điệu nghệ thuật tuyệt mĩ. Và Fallen Art bắt đầu như thế…



Tại một vùng quê hẻo lánh là nơi đóng đô của một doanh trại quân đội, người đi đường bên ngoài có thể nhìn thấy những hàng rào thép gai tàn khốc chọc thủng một bầu trời xanh trong đẹp vô ngần. Xa xa, thấp thoáng có một bóng tháp cao ngất ngưởng, đó là nơi những kẻ cầm quân đang vui đùa với số mạng của những chú lính tiểu tốt. Cái mà họ coi trọng, không phải là sinh mạng con người mà là nghệ thuật được tạo ra từ những xác chết ấy.

Một anh lính bước đến bên cầu nhảy, nhận nhiệm vụ và huy chương cống hiến từ người thủ lĩnh, rồi anh ta… rơi. Ếch kêu một tiếng như thông báo rằng có một cái xác vừa chết ngắc ngoải trên thửa ô xi măng nhỏ xíu giữa đồng cỏ hoang mênh mông, tư thế vắt vẻo, máu bắn vung vãi. Tay thợ chụp ảnh lạnh lùng bấm máy chụp lấy ngay một tấm, rồi thả nó cho tên lính vận chuyển. Hắn chạy lon ton đưa bức ảnh đến tay người thủ lĩnh thực sự bên trong ngôi nhà điều hành xập xệ. Giữa không gian tối thui của những hàng ghế mộc không một bóng người ngồi, có một điểm sáng duy nhất ấy là bóng màu vàng ố của cái máy chiếu đã cũ. Bên cạnh đó, một chiếc máy chạy phim đời cổ đang rầm rầm quay những thước phim đầy nghệ thuật: Vũ điệu của những xác chết. Ngài thủ lĩnh quân sự ngắm nghía bức ảnh vừa chụp được, suy nghĩ để sắp xếp nó cùng với hàng ngàn tấm trước đó để tạo thành một chuỗi hình ảnh, và rồi chạy băng. Hắn hào hứng với tác phẩm đang thực hiện, thậm chí còn quên đi cả thể xác ục ịch của mình mà múa theo chính vũ điệu đang uyển chuyển trên màn hình cho đến tận khi cuộn băng kết thúc. Tiếng nhạc im bặt và hơi thở hắn gấp gáp. Nhưng chỉ một chốc sau đó, hắn lại vẫy tay ra hiệu. Bên ngoài, phía trên cầu nhảy cao ngất, lại một chiến binh nữa bước đến bên thủ lĩnh. Chiếc huy hiệu sáng lóa lên, lại một kẻ nữa rơi xuống, tiếng ếch kêu lạnh lùng, bộ phim kết thúc!


Đóng lại Fallen Art, câu chuyện trở về chính điểm bắt đầu của nó, như một vòng tròn không điểm dừng của những cái chết đầy vô nghĩa. Ở đây, người lính tiểu tốt cứ một lòng tuân mệnh những ông sếp lớn, để rồi hi sinh cuộc đời chỉ vì một thứ nghệ thuật tàn ác. Vũ điệu của những xác chết trong Fallen Art đẹp một cách lạ thường, nhưng đó là trong ánh mắt của những kẻ coi chiến tranh là một trò chơi và sinh mạng của kẻ khác chỉ như cỏ rác. Fall Art như thế trở thành một bản tấu trạng đầy hiện thực xã hội và mang tính thời đại.

Không chỉ là ở ý nghĩa của bộ phim, Fallen Art còn đủ sức chinh phục bất cứ một con mắt khó tính nào nhìn nhận về nghệ thuật 3D và xây dựng hình tượng. Viết về một sự thật chiến tranh, nhưng Tomek Baginski lại không sử dụng những hình họa mang tính thực tế. Anh đã sáng tạo và cách điệu nên những hình dáng con người thiếu cân đối về hình thể. Thế nhưng thú vị thay, những tự do thiết kế đó đã đem lại một hiệu quả bất ngờ cho tác phẩm. Từ khuôn mặt cho tới dáng đi và những màu sắc trên nước da của tay thủ lĩnh, tất cả đó tạo nên một bộ dạng đầy kinh tởm về con người như một tên quỷ dữ. Đó phải chăng là bộ mặt thật của những kẻ tạo nên chiến tranh và chết chóc?


Mặc dù tạo hình nhân vật và những kĩ xảo đồ họa là yếu tố chính làm nên sự thành công của một bộ phim hoạt hình nói chung và Fallen Art nói riêng, nếu bỏ qua hiệu ứng âm thanh, cái hay của bộ phim ắt hẳn chỉ còn phân nửa. Với Fallen Art, dường như mọi nhịp điệu của cuộc sống chiến tranh được tái hiện lại đầy đủ trong cái không khí hài kịch của thể loại comedy: Tiếng gió thổi bay cát bụi ngoài bãi đồng trống, tiếng cái xác người rơi đánh bộp xuống mặt nền xi măng, tiếng ếch kêu, tiếng máy cũ chạy xập xệ, cả tiếng thở dốc của tên thủ lĩnh... Tất cả những âm thanh ấy đều chân thực đến lạnh tóc gáy như thể câu chuyện hắc ám ấy diễn ra thật ngay trước mắt người xem. Bên cạnh đó, việc xen kẽ những khoảng lặng bất ngờ giữa những khúc nhạc tấu lên gấp gáp dồn dập của cuộn băng ghi âm dường như cũng làm tăng thêm cái chất rờn rợn của Fallen Art.

Đặc biệt hơn nữa, trong bộ phim ngắn này, tất cả các nhân vật chỉ dùng một từ duy nhất: LOVE! Vâng, cho dù là mệnh lệnh của thủ lĩnh hay là câu chào tạm biệt đời của những tên lính vô danh tiểu tốt, tất cả đều là một "tình yêu", tình yêu với nghệ thuật hắc ám. Cái từ "love" ấy, khi kết thúc bộ phim, để lại một ám ảnh dai dẳng mãi về một Fallen Art hay nghệ thuật đến từ những vũ điệu xác chết.


Sáu phút của Fallen Art quả là ngắn ngủi thật, nhưng thế quá đủ để cho Tomek Baginski cùng những đồng sự của mình thể hiện cái tài trong công việc thiết thế một kiệt tác 3D, từ những kĩ thuật công nghệ đến một nội dung ý nghĩa. Nếu bạn yêu 3D mà không phải là một kẻ quá yếu tim, bỏ qua Fallen Art sẽ là một hối tiếc thực sự đấy.

Copyright to Renix @ Ichinews.vn

[review] Drama: Bloody Monday - trò chơi sinh mạng

Nếu bạn là một fan của những bộ phim đấu trí nghẹt thở thì Bloody Monday là một tác phẩm như thế.

Bloody Monday

Kanji: ブラッディ・マンデイ
Dạng phim: Renzoku
Thể loại: Hành động kịch tính
Số tập: 11
Đài phát sóng: TBS
Thời gian công chiếu: 19:56 tối thứ Bảy hàng tuần, từ 11-10-2008 đến 20-12-2008.
Tỷ suất bạn xem đài: 11.4 (Kanto)
Ca khúc chủ đề: Over the rain ~Hikari no Hashi~ do flumpool trình bày


Trong các phim truyền hình được công chiếu vào mùa thu năm 2008, có hai bộ phim được đông đảo khán giả quan tâm và chờ đợi. Một trong hai tác phẩm ấy chính là Bloody Monday với dàn diễn viên là những ngôi sao nổi tiếng của hãng giải trí Amuse, một tên tuổi rất quen thuộc với các fan truyền hình Nhật Bản.

Bloody Monday nguyên tác là tác phẩm truyện tranh cùng tên của tác giả Ryuumon Ryou cùng với nét vẽ của họa sĩ Megumi Kouji. Manga này ra mắt từ năm 2007, cho đến nay đã được 9 tập và vẫn còn chưa dừng lại ở đó. Tuy vậy, câu chuyện trong phim truyền hình hiện đã kết thúc.


Bloody Monday mở đầu bằng thảm kịch tàn khốc tại một ngôi làng nhỏ thuộc đất nước Nga rộng lớn và xa xôi với Nhật Bản. Giữa những hàng người đang đứng cầu nguyện cho một Noel an lành tại nhà thờ, một người đàn bà đẹp bước vào, sau một cuộc đàm phán giao dịch nho nhỏ đã rời khỏi nhà thờ với một nụ cười tự mãn trên môi. Khi người đàn bà bí ẩn mang tên Maya đó khuất bóng, người ta phát hiện gã đàn ông đứng cùng cô đã tắt thở!!

Chỉ sau đó ít lâu, tất cả những người trong căn nhà thờ bắt đầu cảm thấy khó thở, ho khục ra máu. Mặt họ nổi lên những mụn đỏ to dần và rồi vỡ ra, rỉ máu. Trong phút chốc, sự sống biến mất khỏi căn nhà thờ, và rộng hơn là cả vùng đó.

Đó dường như là hậu quả của một lại virus sinh học nguy hiểm và có thể là một mưu đồ chính trị khôn lường. Cảnh sát Nga đã đến khám nghiệm hiện trường, tiêu diệt những người còn hấp hối và giữ nhẹm bí mật vụ thảm sát xóa sổ cả một vùng trên bản đồ Nga.



Nhưng cái kim trong bọc rồi có ngày cũng sẽ phải lòi ra. Hai năm sau đó, bí mật quân sự của Nga đã về đến Nhật Bản và lọt vào tay THIRD-i, cơ quan chính phủ chống khủng bố. Sự việc cự kỳ nghiêm trọng khi họ phát hiện ra rằng những tên khủng bố đang nhắm đến mục tiêu thứ hai: Xóa sổ Tokyo rộng lớn với 8 triệu dân, bằng một loại virus nguy hiểm mang tên Bloody X, biến cả thành phố này thành một bữa tiệc "Ngày thứ hai đẫm máu"!

Góc máy lia sang một trường cao trung tại Nhật Bản, nơi cậu học trò Fujimaru Takagi vui vẻ cùng bao chúng bạn khác. Đương nhiên rằng, họ không hay biết những nguy cơ đang tràn đến ào ạt, không phải chỉ cho đất nước mà ảnh hưởng trực tiếp luôn đến chính cậu. Lý do vì sao cậu lại được cả THIRD-i lẫn những kẻ khủng bố quan tâm? Bởi vì cậu chính là Falcon, một hacker mũ trắng mà tài năng của cậu là con dao hai lưỡi, vô cùng đắc lực cho bất cứ bên nào được cậu hỗ trợ.


Và định mệnh đã sớm kéo Takagi vào với cuộc chiến giữa chính phủ và những kẻ khủng bố. Đó là khi bố cậu, một thủ lĩnh của THIRD-i nay bị tình nghi là gián điệp với những bằng chứng không gì thuyết phục hơn. Đó là khi Maya bất ngờ gần gũi với Takagi cùng bạn bè cậu, với tư cách một giáo viên mới. Đó là khi những người cậu yêu quý bị đe dọa tính mạng. Và đó là khi cậu nhận ra rằng chính mình là người đã giải mã mật thư của hai năm về trước khiến "đức chúa trời" của những kẻ khủng bố bị bắt giam và "bữa tiệc máu" buộc phải lùi lại.

Giữa một thế giới của những nghi ngờ và phản bội Takagi sẽ tin vào ai? Liệu chú chim đại bàng Falcon có sẵn sàng dương cánh để chiến đấu bảo vệ cho những người thân yêu mà không làm nên một trò ngu ngốc, để không bị lợi dụng? Bữa tiệc máu thực chất là gì? Cuối cùng ai sẽ là kẻ sống sót? Và ông trùm thực sự là ai?




Đối với những fan hâm mộ thể loại trinh thám và hành động đấu trí, Bloody Monday đã khiến tất cả phải chờ đợi không chỉ bởi kịch bản mà bởi một dàn diễn viên không kém phần nổi tiếng. Người thủ diễn vai nam chính trong Bloody Monday, không ai khác chính là Miura Haruma. Đồng hành cùng với Haruma còn có Sato Takeru với vai diễn Kujo Otoya, người bạn thân thiết nhất của Takagi và cũng đồng thời là con mồi của bọn khủng bố bởi địa vị là cháu gái bộ trưởng bộ Tư Pháp. Nữ diễn viên xinh đẹp và quyến rũ Kichise Michiko là người vào vai Orihara Maya, người phụ nữ nắm giữ nhiều đầu mối bí mật. Và cũng không thể không kể tới một Narimiya Hiroki với vai J – thủ lĩnh điều hành hoạt động của cả tập đoàn khủng bố.

11 tập phim của Blood Monday trôi qua bất ngờ mạnh mẽ như một cơn lũ, để lại cho người xem không ít những ấn tượng cùng cảm nhận. Kịch tích của Bloody Monday được đẩy lên ngay từ những tập đầu tiên. Sự xuất hiện quá sớm của những thủ lĩnh băng đảng tội phạm dễ dẫn đến một hệ quả đa tầng của những mối quan hệ và chân tướng của kẻ thực sự đứng sau tất cả.


Cũng giống như Liar Game, thế giới trong Bloody Monday tràn ngập sự nghi ngờ mà nhiều khi niềm tin thuần như là lý tưởng cũng bị gió lung lay đến chừng sụp đổ. Thế nhưng đặc biệt hơn, Bloody Monday có những quãng dừng giữa cuộc chiến tranh, có những khoảng lặng sau hi sinh mất mát, để người ta có quyền cảm nhận và thấy quý trọng hơn một hạnh phúc bình dị của tình anh em bạn bè, và có cả tình yêu nữa.

So với nhiều bộ phim cùng thể loại như Liar Game hay Koshonin, Bloody Monday còn nhiều điểm bất hợp lý và vẫn reo rắc trong trái tim fan hâm mộ chút thất vọng nho nhỏ. Tuy nhiên, vẫn sẽ là phí phạm nếu chỉ vì thế mà gạt bỏ Bloody Monday. Hãy để cho trái tim bạn một lần được trải qua mọi cảm xúc.

Copyright to Renix @ Ichinews.vn

[review] Drama: Scrap Teacher - có phải chỉ để khoe thần tượng?

Scrap Teacher

Tên gốc: Kyoshi Saisei
Dạng phim: Renzoku
Thể loại: Học đường
Số tập: 9
Rating trung bình: 11.4 (Kanto)
Đài truyền hình: NTV
Thời gian phát sóng:
11/10 - 6/12, 21h thứ 7
Ca khúc chủ đề:
"Mayonaka no Shadow Boy" do Hey! Say! JUMP trình bày

Scrap Teacher – Một bộ phim thần tượng chính hiệu!

Hỏi bất cứ một ai đã và đang hồi hộp theo dõi diễn tiến của từng tập phim Scrap Teacher, khi được hỏi vì sao lại gắn bó với tác phẩm này đến vậy, hẳn 100% câu trả lời mà bạn nhận được sẽ là: "Vì chúng tớ là fan của Hey! Say! JUMP" (hi hi, tác giả bài viết này… cũng vậy).

Cũng chẳng thể phủ nhận được sức lan tỏa của nhóm nhạc teen đông dân nhất công ty giải trí Johnny này khi mà các chàng trai tuổi còn rất trẻ nhưng tần suất xuất hiện của họ trước công chúng cứ gọi là chóng mặt. Nào thì làm cổ động viên đặc biệt cho giải vô địch bóng chuyền thế giới, nào thì hát nhạc nền cho Kungfu Panda… Và giờ đây, bốn chàng trai tài năng và nổi tiếng nhất của nhóm nhạc này lại cùng "đồng hành" trong Scrap Teacher.

Họ là ai vậy nhỉ, mình cùng làm quen với dàn diễn viên chính của bộ phim này nhé:


Nakajima Yuto
Sinh nhật: 10/8/1993
Nơi sinh: Tokyo, Nhật Bản.
Nhóm máu: A
Trong Scrap Teacher, Nakajima Yuto thủ vai cậu học sinh Kusaka Shuzaburo, một nam sinh ngoan ngoãn và luôn yêu kính các thầy cô giáo. Đôi khi hơi ngốc nghếch thật thà một chút, nhưng con người cậu luôn đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng, và chính điều đó đã giúp cho nhiều người có được tự tin để phấn đấu.

Yamada Ryosuke
Sinh nhật: 10/5/1993
Nơi sinh: Tokyo, Nhật Bản
Nhóm máu: B
Xuất hiện trong bộ phim với vai trò là người luôn đem đến những con mắt hình chữ A những cái mồm hình chữ O cho khán giả, cậu học trò Takasugi Touichi cứ như thể là một siêu nhân luôn có mặt kịp lúc để giải quyết sự việc khi đi vào bế tắc. Cậu đóng vai trò là leader của nhóm học sinh "siêu việt" đến để giải cứu thế giới học đường khỏi những "giáo viên phế thải"

Chinen Yuri
Sinh nhật: 30/10/1993
Nơi sinh: Shizuoka, Nhật Bản
Nhóm máu: AB
Yoshida Eitarou (vai diễn của Chinen Yuri) là một người trong nhóm học sinh "siêu việt" chuyển đến trường học của Kusaka. Không giống như Takasugi suốt ngày bị con gái "lớ lờ lơ", Yoshida lại cực kỳ được "quan tâm chăm sóc". Sở thích đặc biệt của Yoshida là… làm vườn và chăm sóc cây cối, trò chuyện vỗ về để chúng có thể trưởng thành tốt!!

Arioka Daiki
Sinh ngày: 15/4/1991
Nơi sinh: Chiba, Nhật Bản
Nhóm máu: A
Trong vai Irie Sugizou, Daiki thể hiện mình không chỉ là "most wanted boy" của ngôi trường cậu đang theo học mà còn là một thiên tài nấu bếp với những pha tung chảo ngoạn mục. Cùng với Takasugi và Yoshida, Irie từng bước từng bước làm thay đổi ngôi trường tưởng chừng như chỉ còn nước sụp đổ.

Kamiji Yusuke
Ngày sinh: 18-4/1979
Nơi sinh: Yokosuka, Kanagawa, Nhật Bản
Nhóm máu: O
Nếu nói rằng ai là diễn viên chính, thì Kamiji Yusuke mới thật sự là nhân vật trung tâm của bộ phim này. Là một giáo viên thiếu tài năng đến mức độ 5 lần mới thi đỗ để làm thầy giáo, có phần ngờ nghệch ngốc nghếch đến ngớ ngẩn, nhưng thầy Sugi lại luôn rất nhiệt thành và quan tâm tới học sinh của mình. Không có sức mạnh để "đánh bại" bất cứ đối thủ nào như những học sinh siêu việt, nhưng thầy Sugi lại có một trái tim cảm hóa được những trái tim khác, thậm chí cả kẻ cứng đầu nhất: Takasugi.



Scrap Teacher là câu chuyện kể về ba học sinh tài năng đến kì lạ! Chúng không chỉ giỏi giang đủ các lĩnh vực từ học tập, thể thao tới trồng cây, nấu nướng, cưỡi ngựa, đấu kiếm… mà chúng còn có một thế lực để có thể huy động được cả một máy bay trực thăng để kịp đưa thầy Sugi đến trường kịp giờ cho lớp làm bài kiểm tra, hay huy động cả… xe cơ động của cảnh sát để hộ tống cậu bạn cùng lớp bị thương nhưng vẫn muốn về đích trong cuộc chạy đua marathon…


Với Takasugi, Yoshida và Irie, giáo viên trong mắt ba cậu học trò này chỉ như "những kẻ thảm hại" và đáng bị loại bỏ. Tìm đến ngôi trường dường như không còn cách nào cứu chữa khi thầy cô giáo bỏ mặc học sinh vì rằng 1 năm nữa ngôi trường này sẽ bị xóa sổ, ba cậu học trò đặc biệt từng bước từng bước làm công việc thay đổi cả ngôi trường, với mục đích là "tống khứ" những giáo viên bất tài vô dụng.

Ngôi trường đang thay đổi, các thầy cô giáo đã từng "thảm bại" dưới tay ba cậu học trò cũng đang thay đổi… nhưng chính trong những trái tim không lành lặn vì thiếu niềm tin vào người lớn của Takasugi, Yoshida và Irie cũng đang dần được lấp đầy bởi chính sự nhiệt tình ngốc nghếch của thầy Sugi mà Kusaka chính là động lực thúc đẩy.



Scrap Teacher không phải chỉ là bộ phim để ngắm thần tượng như thế…

Bởi vì khi bộ phim đã kết thúc, trong lòng người xem vẫn vấn vương một chút gì đó phân vân, một câu hỏi là kỳ rằng "liệu niềm tin có cho chúng ta hạnh phúc?"


Có cả Yoshida và Irie đồng hành, nhưng có lẽ một đau thương của một đứa trẻ bị bỏ rơi thể hiện trọn vẹn ở cậu nhóc Takasugi. Mất đi niềm tin ở người lớn, hay cũng chính là những người thầy đáng lẽ ra là người dẫn dắt học sinh đến với cuộc đời, thất vọng vì những kẻ không thèm quan tâm đến cảm xúc của học trò mình, những đứa trẻ co mình lại, hoặc là buông xuôi chấp nhận số phận, hoặc là đứng lên đương đầu.

Nhưng mở lòng ra một lần nữa, đặt niềm tin một lần nữa vào các thầy cô và vào tương lai thì liệu có là một quyết định đúng đắn? Hay một lần nữa chính những người lớn lại bỏ rơi chúng giữa cuộc đời?

Và câu trả lời cho câu hỏi ấy… Bạn sẽ chẳng bao giờ sai nếu như bạn tin tưởng hết mình và phấn đấu nỗ lực hết mình vì niềm tin ấy! Một lớp học 2B tưởng chừng như sẽ không thể lớn thêm và cùng nhau đồng hành trong một lớp 3B của tương lai, một cậu học trò chậm chạp cục mịch tưởng chừng như chẳng thể nào hoàn thành được chặng đua marathon, một cô bé tưởng chừng như chẳng thể nào thật lòng được với lớp… Vậy mà cuối cùng họ lại gắn kết được với nhau và cùng đón một mùa Noel của năm học mới.


Cả Takasugi, Yoshida và Irie nữa… đến cuối cùng thì ba cậu nhóc có thể rời trường với một nụ cười ngây thơ trong sáng chứ không còn là điệu khinh khỉnh coi thường như những ngày đầu gặp mặt. Và để rồi nhiều năm sau đó… con cháu của ba cậu nhóc trở về gặp lại thầy Sugi, để thầy có thể biết rằng với 3 học sinh siêu việt năm nào luôn cứu thoát thầy mỗi khi gặp nạn, thầy cũng là một giáo viên tuyệt vời của họ đấy chứ.

Cái điệu diễn xuất ngờ nghệch đã trở thành cá tính của Kamiji Yusuke, một trong ba chàng "ngớ ngẩn" của Shuchishin, đôi khi khiến người ta cười đến chảy nước mắt. Những cảnh phim nhóm bộ ba siêu việt thể hiện tài năng kinh người của họ cứ khiến độc giả trầm trồ thán phục mãi thôi…

Nếu như con mắt buồn rười rượi thoáng qua của Yamada Ryosuke khiến cho con người ta chợt cảm thấy nhói con tim, thì ánh mắt nồng hậu và tràn đầy niềm tin tưởng của Nakajima Yuto lại sưởi ấm tấm lòng vừa bồn chồn lo lắng ấy. Đó là những cảm giác thoáng qua… mơ hồ… khó nắm bắt như chính ý nghĩa nội dung của Scrap Teacher.

Nhưng… hãy mở lòng mình ra hết cỡ để cảm nhận nó. Khi ấy, bạn sẽ biết rằng đây không phải chỉ là một bộ phim xem chỉ để ngắm "các bé trai xinh xắn" mà thôi đâu. Và nếu bạn yêu quý Hey! Say! JUMP thật lòng, hãy để họ dùng tài năng diễn xuất đưa bạn khám phá thế giới thật ẩn đằng sau những điều dường như không tưởng của bộ phim nhé…

Copyright to Renix @ Ichinews.vn

[review] Drama: ROOKIES – tân binh không xa lạ

ROOKIES

Dạng phim: Renzoku
Thể loại: Thể thao
Số tập: 11
Rating trung bình: 14.8 (Kanto)
Đài truyền hình: TBS
Thời gian phát sóng:
19/4/2008 đến 26/7/2008, 20h thứ Bảy hàng tuần
Ca khúc chủ đề:
Kiseki do GreeeeN trình bày.
Các diễn viên chính:
Sato Ryuta trong vai Kawato Koichi
Ichihara Hayato trong vai Aniya Keiichi
Koide Keisuke trong vai Mikoshiba Toru
Shirota Yu trong vai Shinjo Kei

"Tân binh" không xa lạ

Không thể nói rằng ROOKIES là một bộ phim cũ khi mà nó chỉ vừa mới được phát sóng mùa Xuân vừa rồi (từ tháng Tư đến tháng Bảy, theo lịch chiếu phim tại Nhật Bản). Tuy nhiên chẳng phải chờ đến lúc được xem phim, người xem vẫn nhận ra được vô vàn điểm "xưa như trái đất" chỉ với một bài giới thiệu phim ngắn ngủi và giản lược. Là một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh lấy đề tài học đường, ROOKIES khai thác một đề tài không mới: câu chuyện về một giáo viên "cực kỳ" có vấn đề, nhưng lại đủ sức cảm hóa được những học sinh cá biệt, có "vấn đề" không kém.

Motif tưởng chừng như đã nhàm chán này với G.T.O - Great Teacher Onizuka cùng 3 phần của Gokusen vậy mà vẫn chưa chịu giảm nhiệt, ROOKIES vẫn làm nên một cơn bão chấn động trong lòng fan phim truyền hình Nhật Bản. Minh chứng cho thành công này chính là việc đài truyền hình TBS công bố thực hiện một phiên bản chiếu rạp của ROOKIES khởi chiếu vào năm sau, như ICN đã từng đưa tin.




Vậy điều gì làm nên sự khác biệt?

Điểm nhấn đầu tiên đem đến sự khác biệt cho ROOKIES đó chính là đề tài bóng chày. Trước ROOKIES, cũng đã từng có nhiều bộ phim đề cập đến môn thể thao được yêu chuộng nhất tại Nhật này. Tuy nhiên, như H2 hay Beautiful Life, đó chỉ đơn thuần là câu chuyện về một vài cá nhân hay một lũ con nít yêu thích "home run"* mà thôi. ROOKIES bởi vậy đem đến một luồng sinh khí đồng đội mới đầy thú vị.

Còn nếu so sánh với những bộ phim khác cùng đề tài "cảm hóa học sinh", đặt lên bàn cân 2 tác phẩm cách nhau cả thập kỷ là một sự khập khiễng khó thể chấp nhận. Bởi vậy ở bài viết này, tôi xin gạt G.T.O qua một bên mà chỉ chọn loạt phim Gokusen, đặc biệt là phần 3 ra mắt cùng thời điểm.

Gokusen 3 câu lượt view của khán giả chủ yếu bằng một dàn diễn viên điển trai khiến các fan nữ không khỏi "chảy máu mũi" mà nội dung nhìn chung lại không có đột phá so với hai phần trước. Câu chuyện trong Gokusen vẫn là những học sinh có đủ mọi vấn đề về gia cảnh. Nếu không có sự xuất hiện của "mafia" Yankumi, chúng có lẽ chẳng bao giờ trở lại được con đường đúng đắn. Câu chuyện "cảm hóa" quen thuộc này, cả cái tính "mê trai" của Yankumi suốt ba phần bộ phim vẫn được giữ làm cái cốt chính. Điều này ít nhiều làm người xem cảm thấy nhàm chán.

Trong khi đó, những tân binh của ROOKIES lại được mệnh danh là "tập đoàn ngốc xít hết thuốc chữa!". Và cái "bản chất" đặc biệt không chỉ của học sinh, mà còn của cả ông thầy Kawato ngây thơ mà khùng khùng đã đem đến cho người xem không ít phen cười lăn cười bò. Từ cảnh một lũ học sinh "đầu gấu đến ngu ngơ" ngồi mọc rêu ở trước cửa phòng đội bóng chày, đến cảnh thầy Kawato dồn Wakana chạy khắp các hành lang lớp học… tiếng cười không thể nào ngừng được suốt hơn 45 phút mỗi tập phim.


Sử dụng chung một yếu tố võ thuật, nhưng ROOKIES không đem đến một cảm giác "mãn nhãn" bởi những cảnh võ nghệ như thể đứng múa giống Gokusen. Những cảnh đối đầu của ROOKIES khiến cho người xem không khỏi giật bắn mình sợ hãi bởi vì nó quá thật. "Cái cảnh Shinjo đập Sekikawa tơi tả, tớ coi một lần mà lạnh hết cả tóc gáy" - một fan hâm mộ của bộ phim tâm sự.

Mạch truyện diễn ra liên tục, hợp lý một lần nữa lại làm nên thành công cho ROOKIES. Những ai đã gắn bó với câu chuyện trong phim của những tập đầu sẽ khó lòng từ bỏ theo dõi đến cuối cùng, như Azin chẳng hạn: "Trong Rookies mãi đến tập 9 đội mới thắng được trận đầu cơ, xem mà cứ như thể nuôi con thấy nó lớn ấy, tự hào chết đi được"

Gặp gián đoạn và mất buổi chiếu những 4 tuần vì Olympic Bắc Kinh hay giải bóng chuyền nữ cúp Quốc tế, nhưng không vì thế mà ROOKIES mất đi lượng fan đông đảo của mình. Nếu bạn thực sự muốn biết vì sao ROOKIES lại làm được điều ấy, bạn có thể download bộ phim với phụ đề tiếng Việt miễn phí tại địa chỉ: http://xuongcho.blogspot.com hoặc http://viet-trend.com/viewtopic.php?f=37&t=162

*"home run": thuật ngữ trong môn bóng chày

Copyright to Renix @ Ichinews.vn

2009-04-25

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Nghỉ học 2 ngày vì mất điện, đáng lẽ ra như bình thường thì cứ là học xong mới thi. Nhưng kể từ ngày cái trường dở hơi của mình chuyển sang thi onl, đã đăng ký ngày với bên Ấn Độ rồi là khỏi đổi. Thế mới có chuyện hôm nay 5h bạn mới biết vẫn phải thi lý thuyết như thường =.=

Lóc cóc đến lớp học bù trước khi bước vào phòng thi, trong đầu mình chả có cái quái gì, dù rằng Indesign là một môn rất dễ. Cũng bởi vì nó dễ, và hôm nay số trời thương mình bệnh còn chưa khỏi nên trúng số đề toàn True - False dễ như ăn cháo cá. Thế mà cáu =.= vẫn chỉ được 80%.

Mà điều là mình khó chịu không phải việc đã để vuột 3 câu ấy là... cái lũ còn lại cùng đề với mình, không tự làm đến 1 câu, chép hết của mình mà vì 1 câu nào đó nó đánh khác đã vượt lên trên mình 1 câu đúng để được 86.7%. Đời mình lâu lắm rồi không còn ăn thua chuyện điểm số, nhưng thật sự là chưa bao giờ chấp nhận cái chuyện đứa chép cao điểm hơn bài đứa làm >"<. Rất bực mình đấy! Lần sau trời đất gì, có cùng nhóm làm project tôi đây cũng mặc kệ, thân ai nấy lo. Vẫn ốm kể từ đầu tuần chưa khỏi hẳn. Thế mà phóng xe mười mấy cây từ trường về nhà gió tạt lạnh rát cổ. Mai không nặng thêm mới là lạ =.= Hôm nay đã không gặp được H.I.T vì ếch bảo về Nam Định rồi, có gì mai mới gặp được :|. Có mỗi một cái ôm chia sẻ mà mãi mình không làm được =.= Từ khi nào mình thành đứa nhút nhát thế nhỉ? Đằng nào cũng xác định là sẽ chẳng nỗ lực rồi cơ mà? Ít ra cũng nên cho mình một phần thưởng nho nhỏ để thỏa mãn chứ nhỉ? Cơ mà mình lo lắm, biết đâu mình được voi lại đòi tiên? Thôi kệ, mai gặp rồi tính. Cầu cho mình không lười quá mà nằm bẹp ở nhà!

[PV] Kanjani 8 (Subaru, Ryo, Tadayoshi) - Glorious

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Sự thật là tớ đã rất choáng váng khi lần đầu tiên lắng nghe và cả ngắm nghía ca khúc này nữa.
Tớ không tin được rằng Kanjani 8 lại phát âm tiếng Anh chuẩn như vậy. À, ít ra thì là giọng của Subaru có thể coi là chuẩn, còn Ryo thì tớ biết tỏng từ hồi NEWS rồi. Tadayoshi thì những câu hát của anh chàng còn có phần đơn giản nên tớ không dám nhận xét.

Còn PV của ca khúc này thì... thực sự là tớ đã á khẩu ngay khi nhìn thấy hình ảnh chiếc khóa hờ trên cánh cửa khép hờ, à có lẽ phải nói là vừa mới mở ra thì đúng hơn. Sẽ không ngoa nếu nói rằng những hình ảnh được cắt ra từ PV này thừa sức là stock cho các designer mặc sức thiết kế nên những tấm ảnh cực kỳ đẹp. Góc quay thú vị của Glorious cũng khiến cho tớ choáng váng. Từng câu hát vang lên, từng cảnh quay chuyển qua giữa ba chàng trai Kanjani nhưng có một đặc điểm chung là đều ngập ánh sáng, khiến cho tớ có cảm tưởng từng câu hát vang lên lấp lánh hào quang ngay khi ấy. Có lẽ tớ sẽ phải tua đi tua lại bài hát này không biết bao nhiêu lần trong playlist của tớ sắp tới rồi đây.

Mà thôi, giờ là lúc để bạn thưởng thức ca khúc này rồi. Nhưng trước khi xem và nghe Glorious, hãy nghía qua một số tấm ảnh tớ cắt ra từ PV này để thấy "ham hố" trước đã nhé:


Chú mèo ba chân

thế giới của mèo ba chân

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009


Ai ai cũng di cư khỏi 360 bởi vì cái hệ thống lỗi điên cuồng ấy. Có lẽ lựa chọn mà nhiều người nghĩ đến nhất là nơi này nhỉ?


Nhớ ngày xưa tớ đến với 360 sau cái trào lưu rầm rộ lúc mới bắt đầu dễ phải đến cả năm trời đấy. Và giờ thì... tớ, mặc dù rất là lười viết entry, nhưng cuối cùng vẫn gọi là còn gắn bó với em yahoo mắc toi mắc dịch ấy. Căn bản là bởi vì cái sự chăm chỉ tìm hiểu của tớ nó đi về vô cùng. Thế nên bảo tớ nghiên cứu cái mớ html hay css chóng hết cả mặt để design cho cái blog gần như là điều không thể vào thời điểm đó.

Nhưng mà... thì cũng như tớ ngày xưa đến với 360 chậm, giờ cũng đã đến lúc phải thay đổi rồi. Với lại, chẳng nhẽ một tín đồ của google như tớ lại không làm được cái blog nào trên blogspot thì kỳ quá nhỉ. Tuy hiểu biết của tớ chưa đủ nhiều để giúp tớ tự thiết kế được cho mình một trang blog cá tính nhất. Nhưng mà cứ chỉnh sửa tạm vậy cái đã. Tớ sẽ từ từ học và chắc chắn sẽ thiết kế lại giao diện của cái blog này một ngày không xa. Ít nhất thì, sau tầm 7 tháng nữa, khi nào tớ kết thúc học kỳ 2 ở trường kiểu gì tớ cũng phải làm được (không có mà thi trượt à?)



Đấy là cái tiền lý do. Thế còn giờ mới là mục đích chính tớ viết bài này: Giải thích cái gọi là ý nghĩa của phụ chú trên đầu trang blog của tớ kia: "thế giới của mèo ba chân"

Không biết là có ai còn nhớ đã từng có một thời gian dài tớ để status YM đại loại rằng "Nhớ lắm, chú mèo ba chân của tôi" không nhỉ?
"Chú mèo ba chân" vốn ban đầu là một cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi, mỏng teng và nếu so với hằng hà sa số những sách dành cho trẻ bây giờ thì nét vẽ trong ấy có phần hơi quý tộc, hay đúng hơn là màu sắc của nó không được tươi sáng chói chang màu sắc như truyện tranh màu bây giờ.
Nhưng tớ yêu cuốn truyện ấy, cũng căn bản bởi từ nhỏ tớ đã thích những thứ có ý nghĩa hơn là vẻ hào hoáng bề ngoài.

"Chú mèo ba chân" chắc chắn không phải là cuốn sách truyện đầu tiên mà mẹ tặng cho tớ. Nhưng cho đến tận bây giờ gần 20 năm tớ sống trên cõi đời này, cuốn sách cùng một em gấu bông nho nhỏ mẹ tặng tớ ngày đi học tại chức ở Hà Nội xa tớ 4-5 năm vẫn mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất của tớ.

"Chú mèo ba chân" ngày ấy có lẽ chưa khiến tớ bật khóc nhiều như sau này, dầu rằng ngay từ khi đó tớ đã thấm thía được câu chuyện nhân văn đẫm nước mắt.
Tớ không còn nhớ tên của chú mèo ba chân hay nhân vật chính của câu chuyện, tớ chỉ nhớ nó mang trên mình một bộ lông mượt màu nâu đầy kiêu hãnh. Nó là niềm tự hào của ngôi nhà này cho đến một ngày kia, chú mèo mướp lông xù mang tên Thomas được đưa tới bầu bạn với nó.
Không, nó không cần bạn. Cái nó ham muốn là cảm giác độc tôn và chiếm lĩnh cả thế giới này. Nó ghét Thomas và luôn bày trò chơi khăm chú mèo mập tội nghiệp.
Nhưng Thomas không phản đối, không hận thù. Thậm chí khi một ngày kia tai nạn xe hơi trước cổng nhà cướp đi của nó một chân trước. Giờ đây, nó đã không còn là hoàn hảo, thậm chí khả năng sống sót của nó còn không thể nào kể đến.
Thomas không cho nó bỏ cuộc. Thomas chịu làm cái bao cát để cho nó đánh, không phải thỏa mãn sở thích mặc cảm của nó, mà để giúp chi trước còn lại của nó mạnh mẽ hơn. Thomas trở thành cái chân đã mất kia của nó như thế. Và nó, dần dà đã không hề nhận ra rằng mình thân thiết với Thomas hơn cả một người bạn. Cái sự thù địch của nó đã biến đi đâu mất.
Nhưng cuộc sống an lành hạnh phúc của cả hai không kéo dài đến thế. Một ngày kia nó thức dậy, không thấy Thomas ở bên mình. Nó đã chạy đi khắp nơi khắp chốn mà không thấy người bạn mập của mình đi đâu? Thế rồi nó chợt thấy đằng sau vườn, người ta đang đào một cái huyệt nhỏ, nơi an táng chú mèo Thomas tốt bụng.
Vậy là Thomas đã bỏ nó mà ra đi. Nó kêu gào sẽ không giành phần sữa của Thomas nữa, nhưng chú mèo mướp lông xù mập mạp đã vĩnh viễn không ở bên nó nữa rồi, không còn là cái bao cho nó đập chán chê, không còn là người bạn hiền lành để nó vẫn hay tranh phần ăn mỗi bữa... Thomas đã đi thật rồi.
Nó bỏ ăn, cuộn mình trong cái gối nhỏ ngày xưa Thomas vẫn hay nằm. Trong giấc mơ, nó gặp lại cậu bạn mập, vẫn bảo bọc che chở cho nó như hơi ấm còn vương lại trên chiếc gối này. Nó sống như thế, trong sự chở che vĩnh cửu của Thomas ở trên thiên đường.

Dù đã lâu lắm rồi, dễ phải đến 6-7 năm rồi không được đọc từng trang truyện "Chú mèo ba chân", và sự thật rằng việc tớ không còn ở nhà để chăm sóc nó đã khiến cuốn sách mang đầy kỷ niệm quá khứ của tớ thất lạc đi một phương trời nào đó... Thì tớ vẫn nhớ như in cốt truyện của nó trong một góc tâm khảm của mình. Như tớ vừa kể lại cho bạn.

Tớ lại khóc rồi... Chú mèo ba chân, nó giống tớ một cách lạ kì: Đó là niềm kiêu hãnh cô độc!
Tớ vẫn còn rất khỏe mạnh và sinh ra lành lặn trên đời như một phép màu. Nhưng trong trái tim tớ, nó cũng chỉ là một chú mèo ba chân có rất nhiều những què cụt của bóng tối, và nỗi đau riêng.
Cho đến tận cùng thì, chú mèo ba chân lại có được cả một giang sơn như nó đã từng mong ước. Nhưng mãi mãi chỉ là một mình nó. Thế nhưng, ký ức về Thomas, như chính bức tranh cuối cùng, sẽ mãi nâng niu nó bé nhỏ trong tay. Nó vẫn sẽ sống thật kiêu hãnh, bởi Thomas đã đem nó trở lại cuộc sống này thần kỳ như thế.
Có thể, tớ và chú mèo không giống nhau về hoàn cảnh, nhưng cảm xúc của tớ và nó vẫn cứ đồng nhất như thể là một. Tớ không biết mình sẽ có ai hay không? Nhưng, sự kiêu hãnh, niềm tin, khát khao, và cả vết thương nữa... tớ chỉ như là một chú mèo ba chân.

Tớ chấp nhận tất cả! Vì thực tế là, trái tim tớ mang hình dạng một chú mèo ba chân.