.+CrosS+. World: tháng 12 2009

Wandering in the world of 3-foot Cat!

Let the epic continue…
Let the legend become never-ending…
Let the history be as it really be…
Let the people go forward…

Chết shock tới tạo hình của bạn Sato Takeru trong Ryoma-den (!)

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Taiga drama hay bộ phim lịch sử truyền thống chiếu vào 8 giờ tối Chủ Nhật hàng tuần trên kênh đài truyền hình trung ương Nhật Bản NHK sắp tới đây là Ryoma den - câu chuyện về người anh hùng thời kì Mạc Phủ (Bakumatsu). Bộ phim sẽ bắt đầu khởi chiếu từ 3/1/2010.

Theo đó, bộ phim sẽ xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là Sakamoto Ryoma, sống trong khoảng thời gian từ năm 1835 tới 1867. Trong lịch sử, Ryoma đóng vai trò một thủ lĩnh quan trọng trong phong trào dẫn tới sự lật đổ triều đại Tokugawa Bafuku, mở ra con đường cho cuộc cải cách Minh Trị (Meiji). Ông cũng đồng thời là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng lực lượng hải quân Nhật Bản hiện đại bằng cách kết hợp với kỹ thuật tiên tiến của châu Âu, thứ kỹ thu đã chứng tỏ thực lực hùng hậu của mình trong suốt thời kỳ cải cách.

Nói về bộ phim Ryoma den, nam diễn viên chính đảm nhận vai Sakamoto Ryoma là người đàn ông luôn đứng nhất nhì trong bảng bình chọn người đàn ông quyến rũ của Nhật Bản: Fukuyama Masaharu.

Còn về phần Sato Takeru, bạn già sẽ đảm nhận vai Okada Izo - một trong bốn sát thủ trứ danh thời Mạc Phủ. Izo là con trai của goshi Okada Gihei vốn xuất thân từ tầng lớp nông dân. Cùng với Tanaka Shinbei (nhân vật này không thấy xuất hiện trong danh sách diễn viên của Ryoma den), Okada Izo hoạt động tại thủ phủ Kyoto dưới trướng Takechi Hanpeita (Omori Nao thủ diễn).

Và vâng... Bên dưới đây chính là tạo hình nhân vật của bạn ấy trong bộ phim truyền hình mới nhất:

Tạp chí TV Guide tuần san từ 14/11 đến 20/11


Đó! Bạn nào muốn đỡ thì đỡ đi ;___;.
Còn tớ, tớ đi ngất đây...

Tháng duyên dáng với luật (?!)

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Chưa đầy 1 tuần, có đến 3 câu chuyện của mèo liên quan đến cái người ta gọi là luật pháp và những người mệnh danh là đại diện công lý thực thi chúng. Quả là ngoài sức tưởng tượng!!



1 - Mọi rắc rối về nhà cửa xem chừng đã qua đem lại nhiều bất ngờ hơn là mèo tưởng. Xác định tinh thần sẽ lại là người bé tuổi nhất phòng, vậy mà không ngờ roommate mới toe cũng chỉ sinh năm 89. Cơ mà... trông bạn ý thì chả giống với con nhóc lóc chóc là mèo tí nào
Bạn ấy học LUẬT, ra dáng một luật sư tương lai lắm rồi đấy!



2 - Trang (tên bạn ấy) hóa ra có khá nhiều điểm giống nhau với mèo về việc từng ở trọ một mình là chủ yếu. Thế nên, tất lẽ dĩ ngẫu cho một đứa tự lực cánh sinh là đồ đạc nhiều vô kể. Tính ra thì số đồ đạc của mèo chắc là ít hơn Trang ế ^o^. Nỗ lực cắt giảm đồ đạc là một trong những mục tiêu đầu tiên của những đứa như mèo hay Trang.

Oh stop! Lạc đề!

Quay trở lại với mạch chính ha.
Mèo nói đến vụ giống nhau ở đây là còn bởi vì Trang cũng có cả một chồng tiểu thuyết đủ thể loại như mèo đã từng có (mà giờ đã cho các tình yêu đó về ở với các cụ). Giống nhau là ở thói quen, nhưng khác nhau về sở thích dẫn đến một câu chuyện là phần lớn đống sách của Trang mèo chưa từng đọc. Ô hô! Quá chi là hay rồi! Trong cái tâm lý nhàn cư vi thì bất thiện của mèo hiện nay thì rõ ràng đọc sách là một trong những cách thức giết thời gian lợi hại nhất, cũng sẽ cho nó thêm nhiều hơn câu chuyện tôi rèn văn phong cho tham vọng tống đẩy cái mớ tưởng tượng trong đầu ra trang giấy của mèo.

Trong hiểu biết của mèo, từng đọc lướt qua ở đâu đó hay do Táo kể lại trong những thảo luận bất tận về văn học, mèo biết rằng Sydney Sheldon là một nữ văn sĩ nổi tiếng với hàng loạt những tác phẩm gay cấn bất ngờ thu hút độc giả trên toàn thế giới. Tiếc thay, mèo tuy khoái manga trinh thám chết đi được, lại không mặn mà lắm với phần lớn các tiểu thuyết mang tính hình sự khó hình dung. Tuy vậy, lần này mèo đã có dịp để thử biết đến cái gọi là tên tuổi Sydney Sheldon. Cuốn đầu tiên mèo chọn là "Thiên Thần Nổi Giận", một cái tên gây đầy cảm xúc.

Và vâng! Đây chính là cái LUẬT thứ 2. Câu chuyện về cô luật sư lắm tài nhiều tật Jennifer Parker và chuyện tình rối rắm với nghị sĩ đáng trọng vọng Adams Warner và tên trùm mafia khét tiếng Michael Moretti.

Mèo có viết bên dưới đây là cảm nhận của mình sau khi đọc xong tác phẩm. Để ẩn đi vì nó không gần gũi với chủ đề đang nói đến ở đây là mấy và rằng mèo biết có nhiều bạn sẽ không thích đọc entry dài lắm đâu ^^

Spoiler

Rõ ràng là preview ngắn gọn của câu chuyện khiến người ta phải tò mò vô cùng về cuốn sách. Và rằng những giây phút đầu tiên cách xây dựng hình tượng nhân vật cũng như chi tiết và nghệ thuật dẫn dắt của Sydney Sheldon đã lôi mèo vào hứng thú.

Tuy nhiên, cảm xúc này không duy trì được lâu khi mà đi về phía sau câu chuyện bắt đầu lê thê theo những vụ xử án của cô nữ luật sư xinh đẹp hơn là câu chuyện đáng quan tâm khác về hai chàng trai trong cuộc đời của cô. Có lẽ tác giả đã hơi quá trong sự thật rằng luật pháp luôn là một mớ nhàm chán mà chỉ có những người trong nghề hoặc ít nhiều dính líu tới nó mới quan tâm và yêu thích. Còn với một đứa rất đỗi bình thường và có chiều hướng tách rời cả 2 vấn đề luật pháp và chính trị như mèo thì rõ "Thiên thần nổi giận" không phải là lựa chọn đúng đắn cho lắm.

Lý do duy nhất để mèo không từ bỏ việc hoàn thành câu chuyện này là bởi vì mèo tò mò về một nhân vật: Michael Moretti.
Hắn ta, ngay từ những phút đầu trong truyện với những miêu tả ngắn gọn và đầy không khí bí ẩn như chính con người của hắn, gây cho mèo một chút liên tưởng đến con người lý tưởng của mèo. Và đương nhiên, mèo muốn biết hắn sẽ đến với Jennifer thế nào khi ngay từ đầu hắn đã chơi nàng một vố bẽ mặt đến suýt nữa trở thành luật sư ghi danh guiness về kỉ lục làm việc ngắn nhất?

Mèo có một chút khó chịu khi phải chứng kiến cô nữ luật sư Jennifer Parker, xinh đẹp thật, tài năng thật (thực ra cũng khá là láu cá), như người ta nhận định cô thông minh và kiên cường, trở lại với thành công quá dễ dàng và gần như không thất bại thêm một lần nào nữa trong sự nghiệp đầy tiếng tăm của mình.
Cái sự chán ngán của mèo lại tiếp tục tiến thêm một bậc khi cô nàng nhân vật chính của chúng ta xiêu lòng trước chàng luật sư muốn tranh cử nghị sĩ: Adams Warner. Tội nghiệp anh chàng đẹp trai, tài năng và đầy nhân cách này, lần đầu tiên anh ta xuất hiện mèo đã không có cảm tình. Càng về sau, mèo càng không ưa hắn ta. Anh ta là một kẻ lụy tình và luôn cảm thấy sám hối bản thân vì chẳng thể theo đuổi tình yêu đời mình dành cho Jennifer, lại vẫn tiếp tục diễn một vở kịch hoàn hảo để cuối truyện leo thẳng lên cái chức vụ to nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong mắt mèo, anh ta chỉ giống như một con rối bị những kẻ "ủng hộ" giúp đỡ anh ta vận động tranh cử điều khiển mà thôi. Hồ sơ anh ta sạch bong (về mặt công chúng), con người anh ta đạo đức một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cái tôi riêng của anh ta bé tí!

Làm thế quái nào một cô nàng cá tính như Jennifer lại thích kiểu người như thế thì mèo cũng chịu.
Chứng kiến chuyện ân ái của 2 con người này chỉ khiến cho mèo muốn bệnh, dù rõ ràng đó cũng là một thứ mà mèo quan tâm kha khá.
Văn chương hay phim ảnh Mỹ, không có những pha hành động nóng bỏng hay một làn da bốc cháy gợi cảm thì cứ gọi là mất chất! Ồ, có lẽ đây là bài học lớn nhất cho đến thời điểm mèo đọc đoạn này của cuốn sách.

Nhưng vì anh chàng Michael Moretti vẫn còn ẩn hiện đâu đó với cuộc đảo chính quyền lực trong giới mafia của anh ta, mèo vẫn cố gắng để theo dõi, và để xem anh ta chinh phục người con gái coi anh là đống hỉ mũi đáng kinh tởm, đã dành trọn trái tim cho 1 con người đạo đức trái ngược hẳn sẽ là như thế nào. Sự lạnh lùng đầy quỷ quyệt, cũng như cái cách tấn công trực diện không che giấu của Moretti khiến mèo cảm thấy hỉ hả và dành lại quan tâm đọc đến phía sau của câu chuyện.

Michael Moretti quả thực có tư chất hoàn hảo của một loài thú săn mồi.
Cái cách hắn mồi chài con gái tên trùm mafia lớn nhất quả thật khôn ngoan. Nhưng còn hơn thế nữa, hắn không tìm cách đảo chính lộ liễu. Hắn khôn ranh, rình rập cơ hội và chờ đợi sự ra đi đương nhiên của một lão già ốm yếu kiểu gì cũng sẽ chết.
Hắn tấn công bằng một đòn chí tử, và khống chế tuyệt đối con mồi: Jennifer Parker.
Cô nàng đã thuộc về hắn. Và hắn đã làm được đúng như những gì hắn cười khẩy khẳng định trước đó.

Về mặt tinh thần thì mèo khá là hỉ hả vì cuối cùng Jennifer cũng thất trận trước Moretti, tuy nhiên, nếu để đặt mình vào vai của nhân vật chính thì mèo cá rằng tự tôn của Jennifer bị tổn thương sâu sắc lắm. Vì dù mèo thích một kẻ cá tính như Moretti, nếu bảo để bị hắn chinh phục thì niềm kiêu hãnh ắt cũng sẽ bị sứt mẻ đôi phần.

Nhưng mà...
Ôi! Sydney Sheldon lại một lần nữa khiến mèo phải thất vọng.
Từ cái lúc mà Moretti gào lên nghi ngờ Jennifer rằng cô nàng đã bán đứng hắn ta cho kẻ thù, mèo đã hụt hẫng. Lại tự đặt câu hỏi: làm thế quái nào Moretti có thể leo được lên cái chức vụ to đùng kia khi mà trong người hắn có cả một bồ nghi ngờ cho con người mà chính hắn yêu, chính hắn lựa chọn? Thậm chí là hạ lệnh giết chết 2 kẻ hầu thân cận nhất của mình?
Rút cục thì Michael Moretti cũng chỉ là một nhân vật phản diện theo đúng cái nghĩa của nó. Kể cả cái chết tủi nhục.

Adams Warner trở thành tổng thống Hoa Kỳ cho tin yêu của hàng triệu dân chúng khi mà chính cuộc đời của anh ta còn không tìm được một điểm tự tha thứ nào cho bản thân.
Jennifer thì mất tất cả: tình yêu, con trai... chỉ trừ có tấm danh thiếp vẫn mang một cái nghề cao quý là luật sư sau từng ấy những chuyện đã trải qua.

Ôi chúa!
Mèo vẫn biết cái nghề luật không phải là để thi hành công lý, mà là để thi thố xem thằng nào nhiều trò miệng lưỡi và mánh khóe hơn. Nhưng mà thực thì cũng phải đến khi đọc cuốn sách này mèo mới được chứng kiến tận mắt cái quyền lực đó của nước Mỹ. Ồ, chắc đây phải khẳng định là điều giá trị còn lại sau khi đọc xong cuốn sách mà tức đùng đùng muốn ném nó vào góc nhà.

Rút cục thì cả tiểu thuyết chỉ có một nhân vật Mary là vợ của Adams Warner là giữ lại được hứng thú của mèo. Cái tiểu xảo của chị ta có thể qua mắt những kẻ ngờ nghệch như Jennifer hay Adams chứ mèo thì biết tỏng tòng tong ngay từ đầu. Một người phụ nữ độc như nanh rắn, xứng đáng với địa vị phu nhân quyền lực của đất nước.

Mèo sẽ còn thử lại với một tác phẩm khác nữa của Sydney Sheldon để biết trực giác của mèo từ ngày xửa xừa xưa không rờ đến truyện của bà có là đúng hay sai. Quả thực sau chuyện này, mèo lại thêm phần nể phục trực cảm của bản thân.



3 - Đọc hết cuốn "thiên thần nổi giận" và phóng vèo đi học. Mèo lại được một anh bạn cùng lớp giới thiệu về một bộ phim hay ho của năm 2009 bị cấm chiếu ở Việt Nam. Ô!

LAW abiding citizen TT_TT. Chẳng thấy gì khác lắm so với kinh nghiệm mèo vừa trải qua về sự-thật-của-công-lý Hoa Kỳ.


LUẬT! LUẬT! LUẬT!
Cái này có nên gọi là duyên phận hay điềm báo gì không :-S?
mèo bị ám rồi TT_TT


[review] Okuribito (Departures) - Giải Oscar lần thứ 81 cho phim nước ngoài xuất sắc nhất

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Xin thưa trước rằng bài viết bên dưới đây được mèo viết sau nhân một dịp xem Departures trong buổi học về Storyboard ở trường. Sau khi kết thúc xem phim, bài tập về nhà của ngày hôm đó là viết một bài phân tích / cảm nhận về tác phẩm, với tư cách một người học và làm phim. Tất nhiên, mèo vứt bỏ hết mấy thứ yêu cầu đó sang một bên để viết theo đúng cái cách mà mèo muốn, chỉ đơn giản là mượn cơ hội, mượn động lực để mình viết review lại mà thôi.

Nhưng cũng vì một phần theo cái yêu cầu, đây sẽ là một bài review theo đúng nghĩa phân tích. Có nghĩa là bài viết này chỉ dành cho những người đã từng trải nghiệm Departures và tìm kiếm một đồng minh. Thế nên, mèo cảnh báo rằng bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đọc bài viết này nếu như bạn chưa xem tác phẩm :)

mèo 3 chân

Có ai đó nói rằng Departures (Okuribito) đoạt được giải Oscar lần thứ 81 dành cho bộ phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất là một phần bởi vì cách làm phim rất Mỹ. Còn tôi, tôi không đủ am tường về điện ảnh Hoa Kỳ để có thể biết được Departures có giống hay không? Cái tôi thấy hiển hiện trước mắt khi xem phim lại là những nét rất Nhật Bản, qua những hiểu biết tự bản thân mình đúc rút sau một thời gian dài yêu thích phim ảnh của xứ sở mặt trời này.

Không ào ào như những bộ phim hành động của Mỹ, Departures mang đến bước đi chậm rãi của cuộc sống như từng thước phim thảng hoặc của mình. Thế nhưng, cái tốc độ ấy lại là thứ hợp lí nhất để cho mạch tâm lý của nhân vật đủ thời gian trưởng thành. Bởi thế cho nên, dù kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, bộ phim vẫn chẳng đem đến nhàm chán cho khán giả. Thời lượng ấy, tốc độ ấy, thật chẳng có gì là bất ngờ với một người dành tình cảm của mình rất nhiều cho những bộ phim Nhật Bản. Tôi vẫn không đừng được ngồi trước màn hình để theo dõi tác phẩm cho dù nó ngấu nghiến của tôi nhiều thời gian hơn nhiều tác phẩm hấp dẫn khác. Tôi vẫn không đừng được bị câu chuyện cuốn đi, dù bộ phim chỉ có cao trào chứ hoàn toàn không theo đuổi những kịch tính thử thách não bộ con người. Và đơn giản, tôi vẫn không đừng được yêu thích Departures - như một bộ phim Nhật Bản.

Departures xuất hiện trước mắt người xem không phải theo một trình tự thời gian tuyến tính. Nó bắt đầu bằng một cảnh ở giữa tác phẩm, với một hỏi đầy những đắn đo lo âu của nhân vật chính về hiện tại và tương lai của bản thân mình. Để rồi khi người xem vẫn còn đang thắc mắc tò mò về những dằn vặt ấy, bộ phim kéo tuột người xem trở lại điểm bắt đầu và giải thích cho chúng ta chuyện gì đã xảy ra, đã đem đến cho nhân vật của nó những vướng bận tâm tưởng đã thành câu hỏi nhức nhối ở đầu phim. Và rồi khi thời lượng phim đi đến chính giữa, thì đó cũng là lúc khán giả quay trở lại với thời điểm hiện tại, để rồi họ được cùng đồng hành với nhân vật bước tiếp hành trình về tương lai.

mèo 3 chân

Có thể nói những sắp đặt bên trên là tính toán hợp lí nhất để đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm. Bởi như chúng ta đã biết, câu chuyện nội dung của bộ phim là một chủ đề vô cùng nhạy cảm: câu chuyện về người khâm liệm tử xác. Sẽ còn ai ngồi lại rạp xem phim khi từ lúc bắt đầu người ta đã gặp phải một anh chàng ủ dột vì mất việc và miễn cưỡng phải tìm đến cái nghề "nokanshi" vì bươn trải cuộc sống? Và cũng sẽ còn gì giá trị thức tỉnh trái tim người xem nếu như các nhà làm phim không để cho chính khán giả được đồng hành cùng nhân vật, khám phá để rồi hiểu, rồi yêu công việc gác đền cánh cửa sự sống và cái chết?

Quãng thời gian mà câu chuyện xảy ra là cái duy nhất mà Departures khiến tôi phải ngỡ ngàng. Bộ phim có những trường đoạn thật dài nói lên bước chuyển dịch ngắn ngủi của thời gian. Đó là lúc giai điệu vô tận của cây cello mà chàng Kobayashi kéo nhịp trên triền đê quê, giữa dòng nước vẫn cứ chảy trôi như nhịp sống, giữa những cánh chim trải dài trên bờ nước, trên bầu trời. Cứ tưởng như hàng mùa cá hồi lội người dòng về đẻ trứng, hàng mùa đàn chim bay di cư đã qua đi rồi cơ đấy. Thế mà thật ra, Departures chỉ bắt đầu từ mùa thu của năm trước và dừng lại ở mùa xuân sau đó mà thôi.

Nhưng thế cũng đã là quá đủ để cho Kobayashi Daigo trải nghiệm và trưởng thành cùng với công việc kẻ tiễn đưa những người quá cố về bên kia thiên đường.

mèo 3 chân

Vai trò của kẻ học nghề như anh lại có một bắt đầu quá đỗi khốc liệt. Lần đầu tiên được nhìn thấy một người chết với Kobayashi quả thực là một ác mộng kinh hoàng khi đó là một bà cụ đơn độc đã chết hai tuần qua tại căn hộ cho thuê, một mình lạnh lẽo. Quang cảnh tang thương, không khí u ám, và mùi vị của cái chết kinh động đến cả chính những người xem ngồi trước màn hình. Kobayashi đã nôn ọe, đã đi đến nhà tắm công cộng, xoa lên mình không biết bao nhiêu xà phòng và ngâm mình hàng giờ trong nước nóng với hi vọng được tẩy khỏi những ô uế. Vâng, ở thời điểm ấy những xác chết với anh vẫn còn là những kẻ xa lạ vô cùng. Và lên đến đỉnh điểm, tận khi anh về nhà và gần như là tấn công vợ, phải khi chính da thịt anh chạm đến thân nhiệt nóng hổi của người vợ yêu thương, một người sống, một chỗ dựa tinh thần của anh, thì khi đó những cơn bấn loạn của "lần đầu tiên" mới chịu lắng dịu lại trong Kobayashi.

Phải có một khởi đầu như thế, khi vượt qua được thử thách đầu tiên Kobayashi mới gắn bó được công việc vô cùng nhạy cảm của người khâm liệm sau này. Anh thậm chí gắn bó với sự nghiệp đưa tiễn kẻ đã khuất còn hơn cả kết lại cuộc đời mình với người còn sống. Anh có thể để Mika rời khỏi cuộc đời mình chứ nhất quyết không chịu từ bỏ công việc mà với Kobayashi lúc ấy dường như đã trở thành một nghi thức tôn giáo mà anh kính thờ và dành trọn vẹn nhiệt tâm của trái tim mình. "Nokanshi" không còn đơn thuần là người khâm liệm tử xác nữa, họ là người tết nên sợi chỉ gắn liền kẻ ra đi với người ở lại. Làm sống lại diện mạo của những người đã khuất hệt như khi sinh khí vẫn còn tràn đầy trong cơ thể, họ để người đến với giấc ngủ vĩnh hằng bình thản, và mỉm cười. Họ để lại cho người còn sống những giọt nước mắt khi nhận ra những gắn bó trong gia đình, nhận ra tình thương máu mủ với kẻ đã khuất mà khi người còn sống đã lãng quên đi.

Thế nên, khi tiếng đàn cello của Kobayashi vang lên trên triền sông, nó trôi đi cùng với dòng chảy của thiên nhiên sự sống quanh đó. Chỉ là những buổi chiều của một mùa xuân đang chạm ngõ, nhưng trong tiếng đàn và tấm lòng của người khâm liệm thì rất nhiều mùa xuân của cuộc đời đã qua đi.

mèo 3 chân

Departures nói lên cuộc sống của con người như thế qua chính hình tượng những người đã chết. Kobayashi đã làm công việc khâm liệm cho không biết bao nhiêu người, và khán giả cũng chứng kiến từng ấy những câu chuyện của kẻ đã khuất trong phim. Nhưng để tổng kết lại, thực ra trong phim chỉ có ba cái chết thay đổi cả cuộc đời của những người đã sống. Người thứ nhất, thực ra tôi đã đề cập đến ở bên trên rồi đấy. Đó chính là cái chết của bà cụ lạ mặt trong lần đầu tiên của chàng nhân vật chính, bà đã cho anh những trải nghiệm để rồi can đảm bước tiếp với nghề. Còn cái chết thứ hai, đó là sự ra đi của bà chủ nhà tắm công cộng, một người quen cũng như một người thân đối với Kobayashi.

Chẳng khác anh, bà chủ nhà tắm công cộng cũng dành trọn tình yêu và cuộc sống của mình cho công việc mà có thể nhiều người khác coi thường. Bà chấp nhận cuộc sống đơn độc và thậm chí mâu thuẫn với cả con trai của mình, để gắn bó với nghề đến tận cùng cuộc đời. Kinh doanh nhà tắm công cộng hay làm nghề khâm liệm tử xác, cuối cùng thì cũng chỉ là những hình thức khác nhau đem lại những giây phút nhẹ lòng cho những người khách. Và cũng giống như vô vàn những nghề nghiệp khác nữa, tất cả đều nhằm để phục vụ con người. Những cái nghề như thế đã trở thành truyền thống tại xứ sở Phù Tang, và nó vẫn đang được người Nhật trân trọng giữ gìn. Tôi dám tin rằng cái nhà tắm ấy đến khi bộ phim kết thúc vẫn cứ tiếp tục mở cửa, bởi vì tôi biết cậu con trai của bà cụ đã nhận ra được bài học của cuộc sống, của sự kế thừa. Và cũng phải cám ơn bà ấy, vì sự ra đi của bà là cao cả vô cùng để những người xung quanh chợt nhận ra được ý nghĩa thiêng liêng trong công việc của Kobayashi. Chính bà đã đem Mika trở lại.

Và người thứ ba, cũng là nhân vật quan trọng nhất đã khép lại cả thiên truyện một cách hoàn hảo, người cha 30 năm biệt tích của Kobayashi. Nỗi đau bị người thân yêu bỏ rơi có lẽ là ám ảnh lớn nhất đối với con người có thể quên đi tất cả để tĩnh lặng và tỉ mỉ bên cạnh những người đã khuất như Kobayashi. Nếu như không có "nokanshi" có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ biết được rằng đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, người cha tội nghiệp của anh vẫn nắm chặt trong tay viên đá "con trai" ngày nào. Quả là một hình tượng kinh điển! Nước mắt Kobayashi rơi xuống khi anh tỉ mỉ với từng động tác khâm liệm cho người cha quá cố. Rồi nhặt viên đá từ tay cha, anh áp nó lên bụng của Mika, nơi sinh sinh mạng bé nhỏ vẫn đang trỗi dậy. Đó là sự kế thừa, có nghĩa câu chuyện đến đây chưa phải là kết thúc, nó mới chỉ mới mở ra mà thôi. Một cái kết rất châu Á, phải không?

mèo 3 chân

Cuối cùng thì Departures khắc họa lại trong lòng người xem kí ức đẹp về những hình ảnh mang đầy tính ẩn dụ như thế. Ngay cái khi thước phim cuối cùng kết thúc, hàng loạt những bối cảnh đã qua có dịp ùa về trong hồi tưởng của người xem: Một căn tiệm cà phê cũ kĩ với những chồng đĩa nhạc không lời và những vệt lõm trên sàn nhà, một cây đàn cello cho trẻ; một triền đê trải rộng bên bờ suối, nơi có những con cá hồi bơi ngược dòng về thượng nguồn đẻ trứng, nơi có những con chim bay di cư dừng chân, nơi có những cánh hoa anh đào vấn vương trong gió xuân, nơi phía sau là cả cánh đồng rộng về tận chân trời với dải núi mờ phủ tuyết trắng… Một không gian hoàn toàn Nhật Bản. Ở nơi đó, người ta thấy dòng chảy cuộc đời, mà mỗi con người chúng ta là một viên đá cuội nhỏ bé vẫn kiên trì tồn tại vượt thời gian.

Departures còn nhấn mạnh vào những góc quay cận cảnh, khai thác được tuyệt đối thế mạnh diễn xuất rất đặc trưng của nghệ thuật thứ bảy tại xứ sở Phù Tang nữa. Những cảm xúc dường như được sống lại rất thật qua từng cử chỉ trên khuôn mặt diễn viên hay những chi tiết đặc tả công việc khâm liệm tỉ mẩn. Tất cả đều chỉ nhằm một mục đích đánh thức tâm khảm của người theo dõi.

Nhắm mắt lại, những âm thanh của một hành trình vẫn còn vang vọng đâu đó. Tôi thực sự đánh giá cao cái cách biên kịch gia sử dụng từ ngữ trong bộ phim này. Như lúc Mika rời bỏ Kobayashi chỉ bằng một từ "dơ dáy"; hay như phút cuối cùng khóc bên người cha quá cố Kobayashi vẫn gọi ông là "oyaji", một danh từ gọi cha suồng sã thay vì "otou-san" đầy trân trọng; cả tiếng đàn cello bên triền đê nữa… Tất cả chúng đều thật đáng kinh ngạc.

Cái tên phim Departures nói lên cuộc khởi hành của những người đã khuất về bên kia thế giới, nhưng thực ra, lăng kính của cái chết lại hướng ngược trở về với thực tại nơi những người đang sống. Cảm nhận cuộc sống qua công việc của người gác đền - kẻ khâm liệm, có chút gì đó thật là kì cục làm sao? Nhưng cũng vì thế mọi cảm xúc trở nên đáng giá hơn. Thế giới vẫn tiếp tục tiến lên trong hành trình vô tận của mình và con người thì đang học cách để yêu quý và trân trọng những cuộc đời vẫn đang hiện diện.


9/12/2009 © Nguyệt Phong Anh

Chó say xe!

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Cái ngày thứ 7 hôm qua có lẽ là một kỉ niệm không thể nào quên được đối với mèo, mà nếu là người khác không động mấy lòng trắc ẩn với các loài động vật, chắc họ đã phải sử dụng một từ khác thay vì "không thể nào quên được", chắc sẽ là "kinh hoàng" cơ.

Nhưng mà vì tình hình là mèo thích loài chó một cách đáng ngạc nhiên, thế nên là mặc dù chú cún ở ảnh bên này đã làm cho mèo một phen suýt khóc, mèo cũng không nỡ gọi ấn tượng ngày hôm qua bằng cái tính từ nghiệt ngã ở bên trên kia được.

Không giỏi tìm hiểu để biết được cụ tỉ tường tận giống loài của chú cún này như Clare, nhưng mèo thực sự ấn tượng về cái kiểu mặt rất khôi hài của chú cún này, có nét gì đó giống bố con nhà chó luôn làm cho mèo Tom sợ chết khiếp trong loạt phim hoạt hình Tom & Jerry. Tất nhiên, nhóc này chỉ là chó lai thôi. Mẹ nó là chó ta (chó nhà bác tớ), còn bố nó là giống gì thì có trời mới biết ^^!

Và ngày hôm qua chú chó tội nghiệp đã vĩnh viễn xa rời chó mẹ thân yêu của mình sau ba tháng sinh ra và lớn lên ở đất Hà Tây. Chú cún theo xe papa tớ để về với ông ngoại của mèo - thị xã Phú Thọ.

Lần đầu tiên đi xe ô tô, lúc đầu mẹ tớ nhìn mắt con cún ngân ngấn nước, cứ nghĩ rằng nó buồn vì phải xa ra đình nó, bèn nịnh bợ vỗ về chú cún. Tớ nghe mẹ nói vậy cũng thương thương. Thế là từ ghế xe trên, tớ bò xuống hàng ghế dưới để ngồi cùng với con cún.

Nhưng mà...
Tớ sớm phát hiện ra rằng cái sự đờ đẫn của con cún này là do... say xe ạ TT_TT.

Lần đầu tiên không chỉ là chứng kiến một con chó say xe nó là như thế nào, tớ còn là nạn nhân của đồng chí ấy.

Xe ô tô đi thì làm gì yên cho được. Và chú cún ấy thì cũng đâu chịu nằm im một chỗ cho người ta nhờ. Say xe, nước dãi nó nhỏ tong tong vào cái bao tải mẹ tớ đặt nó trong đó. Và cả người con chó phía trước cũng ướt như tạt mưa vì cái thứ nhãi nhỏ ra do lần đầu đi xe. Mà nó thì có chịu nằm yên cho đâu cơ chứ?! Nó cứ tìm mọi cách để bò lên ghế, và bò lên lòng cái người đang ngồi giữ nó! Tức là tớ!!

Khổ thân, cái bao tải quá nhỏ để giữ được nó an lành trong đó. Và tớ là nạn nhân một cách toàn diện khi mà quần tớ ướt từ trên xuống dưới do nhãi nhề của chú cún say xe bết lên TT_TT.

Không có mùi. Nhưng cái cảm giác nhớp nháp cứ gọi là lạnh sống lưng :((.

Mẹ tớ nhìn thấy thế ngứa mắt quá đá tớ ra và thế vào chỗ tớ, càu nhàu bảo có mỗi con chó mà giữ cũng không xong. Hờ, thế mà mẹ tớ cũng phải vất vả chán và cũng ướt đầy tay vì cái sự say xe của nó chứ không đâu!

Dù sao thì, tớ vẫn còn sống sót và an toàn trước sự kiện ngày hôm qua ^o^. Bằng chứng là giờ tớ đang ngồi gõ cái entry này đấy thôi ^^.
Và dù sao thì... tớ vẫn không thể chỉ vì một cái sự kiện nhỏ nhoi đó mà ghét chú chó đấy được.
Tình hình là ngược lại mới gay chứ!!
Rất muốn ôm chó mèo ;___;, nhà bạn nào có chú cún hoặc chú mèo nào sạch sẽ hung cho tớ qua ôm cái ^o^ (!)

Đi bộ. Mắt của loài ăn tạp.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Hóa ra là dạo này mèo duy trì được thói quen rèn luyện thể lực nhiều hơn là mèo nghĩ ^o^.
Bạn Siên Gà đã từng trố mắt lên khi mèo bảo rằng từ năm học thứ 2 trở đi mèo sẽ đi bộ đến trường. Mất đâu đó khoảng 20 phút đi bộ, tính ra chắc cũng tầm hơn cây số gì đó.

Mèo chọn đi bộ phải có lí do gì chứ? Đương nhiên.
Sức mèo tuy khỏe như vâm với thời tiết và các chiến binh bạch cầu thì cực kỳ quả cảm khi chống lại với virus, vi khuẩn, mèo cũng không dám coi thường mà suốt ngày để mình ngồi ỳ ra trước màn hình máy tính đâu.
Cơ mà mèo không đủ sức để ép mình dành một thời gian nhất định chạy bộ theo đúng nghĩa gọi là thể dục. Vậy nên khi có cơ hội chính đáng để vận động như là đi bộ đến trường thì chả tội gì mèo không bám víu lấy nó để vớt vát cái cơ thể có xu hướng chịu tác động của việc ngồi quá nhiều TT_TT.

Nhưng có vẻ như là mèo làm được nhiều hơn cái lịch trình tuần học 3 buổi của mình. Do cái sự nghiện trà sữa bất thình lình, mèo thường không kiềm chế được việc dong ra khỏi nhà vào lúc 9h tối, có khi là 10h lận, để phóng thẳng ra đầu đường Đội Cấn và mua một em trà sữa vị bạc hà về nhà thưởng thức. Đương nhiên, đó là lúc để mèo sử dụng phương tiện thuận lợi nhất của loài người: xe căng hải :)).

Mất tầm 30 phút cho quãng đường cả đi và về khi mua trà sữa, và gần như tối nào mèo cũng ra khỏi nhà. Tức là cũng được 30 phút thể dục thể thao mỗi ngày đấy chứ!!
Mà điều thú vị là, con đường mèo đi mua trà sữa và đường đến trường nằm ở hai hướng đối lập nhau. Thế nên bài tập cũng tăng thêm phần nặng khi mèo quyết định sẽ đi mua trà sữa sau giờ tan học buổi tối.

Kể ra thì quãng đường đi cũng là có mệt đấy, nhưng mèo vẫn rất chi là khoái chí và tung tẩy, vừa đi vừa lẩm bẩm theo những ca khúc vọng ra từ cái mp3 cà tàng, bất chấp thiên hạ đang nhìn mình như 1 con dở :)). Hơ hơ, nhưng mà khi mèo đã nhét headphone vô tai thì không cách nào không im lặng được nếu chẳng hay nó shuffle đến bài mèo thích.

Tuy nhiên, có một kinh nghiệm mà chắc chắn mèo sẽ không bao giờ dám mắc phải một lần nữa đó là: không bao giờ được phép đi bộ nếu trong dạ dày không có ít nhất đến lưng chừng, nếu như mèo không muốn một lần nữa rơi vào cái tình trạng khi trở về nhà không chỉ có tay chân run lẩy bẩy mà cả não bộ cũng tê liệt theo T_T. Đây gọi là bài học đắt giá cho "ngày đầu tiên đi học" của mèo.




Mà nhân tiện hôm rồi trong một lần tung tẩy đi mua trà sữa, tự nhiên mèo lại nhớ đến một câu chuyện khoa học từng được nói đến trong bộ j-drama My Boss My Hero. Đó là câu chuyện về mắt của loài thỏ.

Thỏ là loại động vật ăn thực vật, chúng là những con mồi mà kẻ đi săn nhắm tới. Vì thế cho nên, đôi mắt của nó được thiết kế để có thể quay được 360 độ, giúp cho nó cảnh giác được tứ phía.
Trong khi đó, những loài động vật ăn thịt như những con họ nhà mèo, nhà chó thì lại cần một hướng mắt thẳng để theo dõi mọi động tĩnh của con mồi mà bắt lấy khoảnh khắc của thời cơ săn đuổi.

Thế là tự dưng mèo lại cười. Nghĩ là, thế với những loài ăn tạp thì sao? Ví dụ như chính con người chúng ta chẳng hạn?
Rõ ràng khi có những giải thích cực kỳ khoa học trên, chúng ta đã có thể trả lời được bản chất của loài người là kẻ đi săn, hay có nghĩa là loài thiên về ăn thịt.
Liên tưởng đến cái cách loài người đối xử với chính đồng loại, đôi khi cũng thấy một sự tàn nhẫn đáng kinh ngạc ở trong đó. Vậy là... thoáng một chút buồn.

Nhưng mà câu chuyện thì cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi ^^. Mèo nghĩ là cũng chẳng cần phải đào bới những thứ sâu xa hơn vì bây giờ không phải là lúc để mèo được quyền thảnh thơi mà ngồi bình luận chuyện dân tình thế thái. Có quá nhiều vấn đề của bản thân mà mèo vẫn chưa tìm được cách giải quyết.

Nan giải.