.+CrosS+. World: Tản mạn "truyện dân gian Việt Nam"

Wandering in the world of 3-foot Cat!

Let the epic continue…
Let the legend become never-ending…
Let the history be as it really be…
Let the people go forward…

Tản mạn "truyện dân gian Việt Nam"

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Thị đã không nghĩ rằng Thị lại có thể gặp lại quá khứ một cách màu mè đến thế này khi đang xục tung cái hiệu sách Tiền Phong lên để bới cho bằng được "Sang Tàu đòi nợ" của tài năng truyện tranh Việt Nam mà Thị ngưỡng mộ (Thành Phong).

Thị đặt RSS theo dõi Bookaholic. Thị có biết Nhã Nam tháng 6 này ra mắt độc giả tuyển tập truyện tranh màu dân gian Việt Nam với những tay bút vẽ tranh minh họa nổi tiếng xưa nay: Thành Phong, Kim Duẩn, Bút Chì, Tạ Lan Hạnh...
Cơ mà...

Bookaholic, hay có lẽ cũng chính cả Nhã Nam, đang qua loa một vấn đề ngôn ngữ thế này:

- Cả bộ truyện tranh màu dân gian mà Nhã Nam phát hành đều cộp một dấu đỏ "Truyện tranh cổ tích Việt Nam"
- Và 3 trong số Thị mua về được chú thích như sau:
"Giận mày tao (tau) ở với ai?" - Cổ tích
"Đeo nhạc cho mèo" - Cổ tích
"Chàng ngốc học khôn" - Cổ tích



Thị không phải là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian. Nhưng ít nhiều thì Thị biết rằng thì là mà:
Cuốn thứ nhất: Tiếu Lâm
Cuốn thứ ba: (gần như là) Ngụ Ngôn
Cuốn thứ tư: Tiếu Lâm



Theo cách hiểu của Thị:

Cổ Tích: diễn xuôi ra thì nó là "tích cũ". Cổ tích dân gian thường mang nghĩa giải thích sự ra đời của một sự vật hiện tượng, hay là câu chuyện về một nhân vật mà dân gian cho rằng có thực. Chuyện công chúa - hoàng tử, phù thủy pháp sư... cũng được xếp vào dạng truyện cổ tích. (mặc dù nhiều tác phẩm quốc tế kiểu Andersen hay Grim mình nhớ rằng thực ra người ta chỉ gọi là truyện cổ)

Tiếu Lâm: truyện dân gian mang yếu tố hài hước, châm biếm và đả kích. Nhân vật chủ yếu là người.

Ngụ Ngôn: Ngôn là câu là chữ là từ là ý, ngụ là hàm ẩn. Ngụ Ngôn vì thế là những câu chuyện / hình ảnh mang tính ẩn dụ. Thế nên dễ hiểu vì sao truyện ngụ ngôn thường dùng hình ảnh con vật để nói chuyện con người.


Thị là kẻ phân biệt rạch ròi.
- Nếu gọi đây rằng "Truyện tranh dân gian Việt Nam", Thị sẽ mừng rỡ khôn xiết.
- Nếu gọi cả bộ sách là tuyển tập "Truyện tranh cổ tích Việt Nam", Thị thôi đành chấp nhận bởi tính bảo thủ người ta sẽ khắng khăng lên rằng trong cả bộ cũng có truyện cổ tích cả đấy chứ! Và rằng Thị cũng không thể nhớ ra "Cổ Tích" có được mở rộng phạm vi ý nghĩa của nó không nên cũng đành câm lặng vậy thôi.
- Nếu gọi từng cuốn truyện kể trên là Cổ Tích, Thị có nhã ý là khuyên tra lại từ điển tiếng Việt giùm.


Sách báo dành cho thiếu nhi luôn hàm ẩn những ý nghĩa giáo dục. Đã dạy trẻ con thì không thể xuề xòa và bảo "Ừ, thì tiếu lâm cũng là cổ tích mà ngụ ngôn thì cũng là cổ tích" trong khi mỗi ý đó thực ra chỉ là một nhánh của cái nghĩa rộng lớn hơn là "truyện dân gian".



Thị có chút buồn vì trẻ con bây giờ chẳng còn ai thích giải trí bằng Tiếu Lâm Việt Nam như cái thời Thị còn nhỏ xíu. Thị mừng vì Nhã Nam đã tìm ra đúng con đường để khơi dậy lòng yêu thích văn hóa dân gian của trẻ con Việt Nam. Nhưng nếu vận ngôn hồ đồ như vậy sao tránh khỏi sự biến mất của những nét văn hóa rất đặc trưng?
Trách sao mà tiếng Việt đang dần mai một?

1 nhận xét:

Pig nói...

truyện dân gian VN, rất dân dã và ăn gian :))

tớ cũng đồng í tên bộ sách phải là 'dân gian' mới phải